Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Nhận & cho như không

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt 9, 35 – 10, 1.6-8
 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy
Suy niệm:
Thiên Chúa là tình yêu, nhưng yêu là gì? Thiên Chúa yêu thương chúng ta như thế nào? Làm sao biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta? Tin mừng hôm nay kể ra cho chúng ta biết tâm hồn của Chúa Giêsu: ‘Người động lòng xót thương họ’.

Chúa Giêsu là mạc khải đích thực của Thiên Chúa. Mạc khải duy nhất, trung thực nhất, gần gũi nhất về Bản chất của Thiên Chúa. Philiphê Tông đồ đã bộc lộ khao khát của con người: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện." Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Philípphê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"? Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. (Ga 14, 8-11).

Vì thế, Tình Yêu của Thiên Chúa đối với con người là gì? Một cách cụ thể và sống động nơi Chúa Giêsu là đi đến với từng con người, từ thành phố đến thôn quê, trong hội đường cũng như nơi các nhà riêng, Người dạy bảo con người cách sống để được hạnh phúc, Người chỉ cho mọi người con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu. Không phải chỉ là lời hướng dẫn mà còn là hành động cứu giúp: ‘Người chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền’. Không phải chỉ là bên ngoài nhưng còn tận đáy lòng của Người: ‘Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn’. Người cũng không bằng lòng với tình yêu của riêng mình yêu thương con người, mà Người còn mời gọi các môn đệ, mời gọi chúng ta chung lòng cùng với Người yêu thương con người qua việc cầu xin với chủ ruộng: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đi gặt lúa’. Người cũng chẳng dừng lại ở việc cầu xin suông, nhưng lời cầu xin được biến thành hành động: ‘Người liền triệu tập mười hai môn đệ’. Người giao công việc thì đồng thời cũng cho phương tiện; Người trao sứ mệnh thì Người cũng cho khả năng: ‘ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền’. Người sai đi thì cũng chỉ rõ đi đâu trước đi đâu sau, nói gì và làm gì: ‘các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước trời đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung và xua trừ mà quỷ’


Thế còn công cán, lương lậu thì sao? Người là ông chủ hà khắc: ‘gặt chỗ không gieo thu nơi không phát’ hay là người cha nhân hậu: ‘các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không’. Người đã cho chúng ta tất cả: ‘mọi sự của Cha đều là của con’, Người đã cho chúng ta ‘từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và nhờ Người mà muôn vật được tạo thành’. Tình yêu là thế, Thiên Chúa là tình yêu, nên trong Thiên Chúa chỉ có cho đi, chỉ có ban tặng. Nhưng tình yêu phát sinh tình yêu. Con người hưởng được tình yêu của Thiên Chúa thì đồng thời cũng biết thương đến mọi người. ‘Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng không’ là vậy. Người nào đã lãnh nhận mà không cho đi thì ơn nhận lãnh sẽ mất.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Tình Yêu của Chúa Cha dành cho chúng con. Xin cho Lời Chúa dạy luôn là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, quan niệm sống, ngôn từ ứng xử và hành vi trong cuộc sống của chúng con. Xin cho Mình Thánh Chúa là thần lương nuôi sống linh hồn chúng con, biến đổi trái tim ích kỷ của chúng con thành trái tim bao dung của Chúa, biến đổi cõi lòng khép kín của chúng con thành tâm hồn mở rộng của Chúa, biến đổi bàn tay luôn giữ chặt khư khư thành bàn tay xòe ra ban phát của Chúa. Có như thế, bất cứ lúc nào chúng con cũng có thể ‘động lòng xót thương’ giống như Chúa.

Linh mục Giuse Phạm Đình Hiền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét