Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

Tình yêu & Đức tin

Nhật tác
Quang Thiêm



Lời Chúa: Mt 8,5-11

Một hôm, 5 khi Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: 6 "Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm." 7 Người nói: "Chính tôi sẽ đến chữa nó." Viên đại đội trưởng đáp: 8 "Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. 9 Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: "Đi!", là nó đi, bảo người kia: "Đến!", là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: "Làm cái này!", là nó làm." 10 Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: "Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. 11 Tôi nói cho các ông hay: Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời."


Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải vững tin rằng: “Thiên Chúa cứu độ đã đến”, Ngài xuất hiện rõ ràng cho gian trần, cho con người đang cần tình yêu thương cứu độ của Ngài: “… chính tôi sẽ đến cứu nó…”. Chúa Giêsu không nói với viên đại đội tưởng, tôi sẽ đến “chữa” nó, nhưng Ngài nói tôi sẽ đến “cứu” nó, Ngài cho viên đại đội trưởng thấy quyền năng cứu độ của Ngài, thấy bản chất của Ngài, thấy sứ vụ của Ngài và tấm lòng của Ngài. Ngài xác định “chính Ngài sẽ đến cứu”, chính Ngài sẽ ra tay cứu độ chứ không phải ai khác. Sống tâm tình mùa vọng cũng là sống tâm tình tin tưởng, nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa yêu thương, chính Thiên Chúa cứu độ, chính Thiên Chúa dang rộng vòng tay yêu thương của Ngài cho nhân loại.


Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa làm cho con người mở lòng ra với nhau, viên đại đội trưởng đã mở lòng ra nhìn đến đầy tớ của mình, nhìn đến một đối tượng mà theo văn hóa và luật pháp thì ông ta không phải bận tâm. Chắc chắn đây cũng là tâm tình mà mỗi người Kitô hữu cần phải có trong mùa vọng. Trong khi nhìn nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải nhìn đến nhu cầu của nhau, nhìn đến anh chị em đồng loại với tất cả tình yêu thương, cầu mong cho đồng loại mình được ơn cứu rỗi. Không phải chỉ nhìn đến nhau trên cấp độ bổn phận mà nhìn còn đến nhau bằng tình yêu thương rộng mở, đó chính là lời mời gọi sống mùa vọng

Cuối cùng điều quan trọng nhất mà Tin Mừng hôn nay nhắn nhủ chúng ta: “Tình yêu cứu độ, là tình yêu phải được tuyên xưng với tất cả niềm xác tín”: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng, cũng phải là lời tuyên xưng của mỗi người chúng ta, trong thánh lễ mỗi ngày. Tin vào tình yêu cứu độ, tin vào Thiên Chúa Đấng cứu độ, đó không chỉ là điều mà Hội Thánh đòi hỏi con cái mình sống trong mùa vọng mà thôi, nhưng đây còn là điều Hội Thánh muốn con cái mình phải tuyên xưng mọi ngày, phải tuyên xưng cách vững chắc lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng trong mỗi thánh lễ.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa,Xin ban cho con đức tin mạnh mẽ như viên đại đội trưởng,
để con tín thác vào Chúa mà không nghi nan.
Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng sợ thiệt thòi khi trao hiến.
Xin cho con đức tin sáng suốt
thấy được Ðức Kitô nơi những người nghèo khổ, yếu thế.
Xin cho con đức tin liều lĩnh,
dám nhìn đến kẻ bị khinh chê, dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân.
Xin cho con đức tin vui tươi,
hạnh phúc vì biết những gì tốt mình làm cho đồng loại đều sinh quả phúc.
Cuối cùng, xin cho con đức tin bền vững,
để con thưa với Chúa cách xác tín mỗi ngày khi con tham dự Thánh Lễ rằng:
“Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con,
nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Amen.

Tỉnh thức

Nhật tác
Quang Thiêm


Lời Chúa: Mc 13,33-37
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!"

SUY NIỆM:
Hôm nay Chúa Nhật I Mùa Vọng, lời đầu tiên của Đức Giê-su mà Giáo Hội muốn chúng ta lắng nghe, đó là lời mời gọi tỉnh thức:
Anh em phải canh chừng, phải tỉnh thức,
vì anh em không biết khi nào thời ấy đến.


Trong dụ ngôn dấu chỉ mà chủ nhà để lại cho các tôi tớ là quá nhiều: ông để nhà lại, ông trao quyền và ông trao việc. căn nhà là tất cả những gì chúng ta có trong cuộc đời, quyền bính trên cuộc đời của chúng ta và trao sứ mạng: “ông chỉ định cho mỗi người mỗi việc”. Chúa cũng làm thế, và khi làm thế, Ngài trao ban chính lòng tin của Ngài cho chúng ta. Trên đời này, không ai tin chúng ta như Chúa tin chúng ta.


Người giữ cửa được lệnh canh thức; Đức Giêsu dùng từ ngữ “canh thức”, để gộp lại hai từ ngữ mà Ngài đã dùng lúc đầu: “canh chừng và tỉnh thức”. Vì thế, canh thức có nghĩa là: hãy canh chừng, và để canh chừng thì phải tỉnh thức. Trong dụ ngôn, nhiệm vụ canh thức được giao cho người giữ cửa, nhưng Đức Giêsu lại muốn áp dụng cho tất cả mọi người chúng ta: “Vậy anh em phải canh thức”.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa,Xin ban cho con tinh thần cảnh tỉnh, để con luôn biết sẵn sàng, bất kỳ lúc nào cũng chuẩn bị cho thời điểm Chúa trở lại. Xin giúp con ngay từ giây phút này biết bắt đầu việc chuẩn bị đón tiếp Chúa. Amen.
 

Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014

Tỉnh thức & Cầu nguyện

Nhật tác
Quang Thiêm




Lời Chúa: Lc 21,34-36
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!"

Suy niệm: 
Lời Chúa hôm nay nêu lên 2 thói xấu.

Thứ nhất, “Đừng chè chén say sưa”
Người say sưa dễ làm mất nhân cách của mình.
Theo nghiên cứu thì uống rượu ít hại cho sức khỏe hơn hút thuốc, nhưng trong thực tế, người say sưa làm khổ người thân nhiều hơn hút thuốc.

Thứ hai, “Đừng lo lắng sự đời”
Ai quá lo lắng việc đời sẽ dễ bỏ việc Chúa.Người quá lo là người chưa hiểu về việc Chúa quan phòng, chăm sóc. Cứ làm việc hết mình và cứ an tâm. Việc còn lại là lo phần linh hồn.

Khổ vì có tiền
Chúng ta lo lắng để kiếm tiền, nhưng tiền cũng chưa chắc sẽ đem lại hạnh phúc. Ta cứ sống tốt và sẽ thấy đời hạnh phúc.

Có một người thợ giày suốt ngày vui vẻ ca hát. Lúc nào trẻ con trong xóm cũng xúm quanh nghe ông hát.
Đối diện nhà anh là một ông nhà giàu suốt đêm lo đếm tiền, đến sáng mới đi ngủ, nhưng cũng không ngủ được vì tiếng hát của anh thợ giày. Một hôm, ông nghĩ ra một cách buộc người thợ giày im tiếng hát.
Ông mời người thợ giày sang nhà ông và tặng anh một túi đầy những đồng tiền vàng. Anh thợ giày trở về nhà ngồi đếm tiền cả ngày. Đám trẻ con nhìn anh, anh sợ chúng biết anh có nhiều tiền nên đuổi chúng đi và đóng cửa lại. Ban đêm, anh cứ nhớ tới túi tiền nên không ngủ được, anh ngồi dậy đem túi tiền giấu ở một nơi kín đáo. Sau đó, anh nghĩ rằng nơi đó cũng chưa đủ an toàn nên lại ngồi dậy đem giấu nơi khác. Ban ngày, lòng anh cũng canh cánh lo sợ. Thế là anh không còn hát ca gì nữa, cũng không đóng được đôi giày nào nữa. Tệ hại nhất là trẻ con không còn tới chơi với anh. Một thời gian sau anh chịu không nỗi nữa, đem túi vàng trả lại ông nhà giàu. Thế là từ đó trở đi, anh lại vui vẻ, hát ca và trẻ con trở lại chơi với anh. (Willi Hoffsemmer).


Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, chè chén say sưa làm mất thanh danh con người. Tiền bạc nhiều khi làm hại hơn làm lợi cho con người. Xin Chúa giúp chúng con nhìn thấy tai hại của rượu và của tiền bạc, để cố gắng sống cuộc sống trong sáng hơn, hạnh phúc hơn. Amen.











Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Dấu hiệu

Nhật tác
Quang Thiêm

Lời Chúa: Lc 21,29-33

Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ nghe một dụ ngôn: "Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả những cây khác.Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì đủ biết là mùa hè đã đến gần rồi. Anh em cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, thì hãy biết là Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu."

Suy niệm:
Tiếp nối ý tưởng trong bài diễn từ về ngày cánh chung, Đức Giêsu minh họa bằng hình ảnh dụ ngôn cây vả. Cứ nhìn vào những dấu hiệu bên ngoài của cây, người ta sẽ đoán ra được những gì sắp xảy đến. Cũng vậy, theo lời Đức Giêsu, con người có thể dựa vào những dấu chỉ để nhận diện Nước Thiên Chúa.



Hôm nay, dù là một Kitô hữu, nhưng đôi khi tôi vẫn cứ nhìn mọi biến cố với lối đánh giá theo tiêu chuẩn thế gian, nên không thể nhận ra Nước Chúa, Ý Chúa.
Hôm nay, nhiều khi niềm tin hay ý thức vào Nước Thiên Chúa trở nên mờ nhạt trong cuộc sống của tôi, nên tôi không thể nói năng hay hành động như con cái sự sáng.



Mong sao, bằng cặp mắt đức tin, tôi dễ dàng nhận ra những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa, của Ý Chúa trong cuộc đời này và trong cuộc đời tôi.
Và mong sao, cuộc sống của tôi cũng là một dấu chỉ của Nước Thiên Chúa.



Mặc dầu không ai biết ngày tận thế sẽ xảy đến khi nào. Tuy nhiên Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta nhận ra những dấu hiệu báo trước ngày đó sắp xảy đến. Khi nhìn các biến cố, sự việc xảy ra trong hiện tại để nhận ra các sự việc trong tương lai. Vì chắc một điều là mỗi người đều có ngày tận thế riêng cho mình. Vì thế sự chuẩn bị chu đáo của mỗi người không thể coi là quá sớm. Con người sống thường nghĩ rằng còn lâu mới đến " lượt " mình. Nhưng Chúa đến bất ngờ trong lúc ta không sẵn sàng? Phải chăng là sự hối tiếc trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng. Cuộc sống mỗi người cần phải chuẩn bị và tỉnh thức, để khi triều đại Nước Chúa đến thì chúng ta theo Ngài bước vào một cuộc sống mới.


Sống Lời Chúa: Nhìn lại cuộc sống bản thân để biết ta cần đổi mới những gì.



Cầu nguyên: Lạy Chúa, chúng con đang mong chờ ngày Chúa lại đến, xin cho chúng con biết thay đổi cuộc đời để xứng đáng được Chúa đón nhận vào vinh quang Nước Chúa. Amen.







Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

Hủy diệt

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Lc 21,20-28
 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Khi anh em thấy thành Giêrusalem bị các đạo binh vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng đã gần đến ngày khốc hại của thành.Bấy giờ, ai ở miền Giuđê, hãy trốn lên núi; ai ở trong thành, hãy bỏ đi nơi khác; ai ở vùng quê, thì chớ vào thành. Thật vậy, đó sẽ là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã chép trong Thánh Kinh sẽ được ứng nghiệm. Khốn thay những người mang thai và những người đang cho con bú trong những ngày đó!"

Vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này. Họ sẽ ngã gục dưới lưỡi gươm, sẽ bị đày đi khắp các dân các nước, và Giêrusalem sẽ bị dân ngoại giày xéo, cho đến khi mãn thời của dân ngoại.
 "Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc."

Suy niệm:
Một trong những sai lầm tệ hại nhất đời người là coi những sự tạm thời như những thực tại vĩnh cửu. Ngược lại, nếu biết nhận ra tính cách tạm thời của những sự đời này, chúng ta sẽ có cái nhìn rõ hơn để hướng về những thực tại bền vững trên trời. Như thế, người Ki-tô hữu không bị mặc cảm lạc lõng như “người ngoài hành tinh” mà họ sống như “sen giữa bùn”, không chỉ không vương mùi bùn mà còn phải toả ngát hương thơm thánh thiện.
Luôn sẵn sàng chia sẻ cách quảng đại để sống siêu thoát đối với những sự chóng qua đời này.


Cầu nguyện: 
Lạy Chúa, xin hướng dẫn chúng con, để khi biết cách dùng những của cải chóng qua đời này, chúng con đã gắn bó với của cải muôn đời tồn tại.


Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Anh hùng Tử đạo Việt Nam

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Lc 21,12-19
 Khi ấy, Chúa Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy.Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào.Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em.Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét.Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình."

Suy niệm:
Người Công giáo Việt Nam thường coi mình là kẻ có đạo và được tiếng là những kẻ giữ đạo rất nhiệt thành và sốt sắng. Nhưng có lẽ phần đông chúng ta chưa xác tín rằng: cách giữ đạo tốt nhất là cho người khác cái đạo của mình
Các thánh Tử đạo Việt Nam là những người đã sống theo chân lý đó. Các ngài không phải chỉ là những người có đức tin, những người giữ vững đức tin đến cùng, mà còn là những người đã cho kẻ khác niềm tin của mình.

Không có việc trao tặng niềm tin ấy qua việc hy sinh mạng sống của các ngài thì có lẽ sẽ chẳng có Giáo Hội Việt Nam hôm nay. Tuy nhiên, có nhiều cách cho đi niềm tin và cách thông thường nhất là chia sẻ bằng lời rao giảng hay bằng những phương tiện truyền giáo.
Cũng có một cách khác, tuy âm thầm nhưng hiệu quả cũng không kém, đó là bằng cách sống niềm tin một cách chân thực. Nhưng cách cuối cùng mà các thánh Tử đạo Việt Nam đã thực hiện là cho chính sự sống của mình. Trong sự sống được trao tặng đó có hạt giống của đức tin, tựa hạt của một trái chín, hay như hạt thóc của một bông lúa đã được gặt hái. Đó là một cách cho trọn vẹn nhất, một cách cho tuyệt đối nhất, bởi vì không ai có thể đòi lại mạng sống của mình một khi đã dâng hiến.


Nhưng nếu hiểu đạo theo nghĩa rộng, thì vẫn còn có nhiều người tử đạo. Đó là những người dám chết cho công lý, cho hòa bình. Nói chung là chết vì chính đạo, chết cho con người, nhất là những người nghèo khổ hay bị áp bức. Đức Kitô cũng đã chết cho cái chính đạo ấy chứ không phải chết vì đạo của người Do Thái, lại càng không chết vì đạo của mấy ông tư tế và Biệt phái, bởi vì chính những người này đã chủ mưu giết Ngài vì thấy rằng Ngài là mối đe dọa cho tôn giáo của họ.


Như vậy, tử đạo là dám sống và dám chết cho một lý tưởng của Tin mừng. Thế nhưng liệu chúng ta có dám sống và dám chết như vậy hay không?



Cầu nguyện: 
Lạy Các Thánh Tử đạo Việt Nam, xin dạy con noi gương bắt chước các ngài, luôn trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Amen

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Cho đi tất cả

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Lc 21,1-4
 Ngước mắt lên nhìn, Chúa Giêsu thấy những người giàu đang bỏ tiền dâng cúng của họ vào thùng tiền. Người cũng thấy một bà goá túng thiếu kia bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm. Người liền nói: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. Quả vậy, tất cả những người kia đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ, mà bỏ vào dâng cúng; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình, mà bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."


Suy niệm:
Hai hình ảnh như đối nghịch từng đôi một. Một bên là người giàu, những người giàu. Còn bên kia là bà góa, mà chỉ có một bà góa. Một bên là bỏ nhiều tiền, bên kia chỉ có hai đồng xu nhỏ. Giàu thì có bạn cùng đi, một nhóm... Còn nghèo và cô đơn thì chỉ đi lẻ loi một mình. Hình ảnh bà góa xuất hiện như một nét chấm phá cho bức tranh bỏ tiền dâng cúng mà họa sĩ muốn bộc lộ tâm trạng. Nét chấm phá ấy lên đến cao độ, khi bà thò tay vào túi, lần mò mãi và cuối cùng rụt rè bỏ vào thùng 2 đồng xu kẽm. Hai đồng kẽm ấy như lọt thỏm và bị mất hút giữa muôn tờ giấy bạc của đám người giàu, chỉ như hạt muối bỏ biển.


Chúng ta thấy tâm trạng của Đức Giêsu thế nào ? Một vị Thầy luôn nhìn thấy những sâu thẳm của lòng người. Ngài quay lại nói với các môn đệ. Thầy bảo thật anh em : bà góa nghèo này đã bỏ vào nhiều hơn ai hết. ( c.3). Vì sao Ngài quả quyết như vậy ? Chắc chắn là bà không thể giải bày hoàn cảnh của mình cho vị Thầy này, và ngay cả phong cách bề ngoài càng không nói lên điều ấy. Nhưng Chúa Giêsu đã thấu suốt lòng bà. Người hiểu rõ gia cảnh túng thiếu và góa bụa của bà. Thánh Luca tả rất rõ : một bà – góa – túng thiếu. Là phụ nữ trong thời đó được coi là hàng thứ yếu. Bà lại góa chồng, đơn phương độc mã, không chỗ tựa nương, bám víu nên gia cảnh bà trở nên túng thiếu, nghèo nàn... Nhưng bà vẫn đến dâng cúng cái nghèo nàn túng thiếu ấy.




Cầu nguyện:
Lạy Chúa, ước gì mỗi người chúng con làm việc tay phải, thì tay trái không hề biết, để phần thưởng của chúng con là chính Chúa mà thôi. Amen


Vua tình yêu

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt 25,31-46
 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Khi Con Người đến trong vinh quang, có hết thảy mọi thiên thần hầu cận, Người sẽ ngự trên ngai uy linh của Người. Muôn dân sẽ được tập họp lại trước mặt Người, và Người sẽ phân chia họ ra, như mục tử tách chiên ra khỏi dê. Chiên thì Người cho đứng bên phải, còn dê ở bên trái.  "Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: "Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta". "Khi ấy người lành đáp lại rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ chúng con thấy Chúa là lữ khách mà tiếp rước, mình trần mà cho mặc; có khi nào chúng con thấy Chúa yếu đau hay bị tù đày mà chúng con đến viếng Chúa đâu?" Vua đáp lại: "Quả thật, Ta bảo các ngươi: những gì các ngươi đã làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta". "Rồi Người cũng sẽ nói với những kẻ bên trái rằng: "Hỡi phường bị chúc dữ, hãy lui khỏi mặt Ta mà vào lửa muôn đời đã đốt sẵn cho ma quỷ và kẻ theo chúng.Vì xưa Ta đói, các ngươi không cho ăn; Ta khát, các ngươi không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi chẳng tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi không cho đồ mặc; Ta đau yếu và ở tù, các ngươi đâu có viếng thăm Ta!" "Bấy giờ họ cũng đáp lại rằng: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói khát, khách lạ hay mình trần, yếu đau hay ở tù, mà chúng con chẳng giúp đỡ Chúa đâu?"Khi ấy Người đáp lại: "Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta". Những kẻ ấy sẽ phải tống vào chốn cực hình muôn thuở, còn các người lành thì được vào cõi sống ngàn thu".


Suy niệm:
Qua bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận thức vị trí và vai trò làm vua của Chúa trên cuộc đời chúng ta, đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng ta phụng thờ Ngài cho xứng đáng.


Chúng ta đã tôn thờ những "vua" khác không phải là Chúa, như tiền bạc, danh vọng, lạc thú v.v.
Chúng ta không sống theo sự dẫn dắt của Chúa.
Chúng ta không sống theo luật của Nước Chúa là luật yêu thương.


Dựa vào bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể mô tả một vị vua lý tưởng và một nước lý tưởng:
Vị Vua ấy không chễm chệ ngự trị trong cung điện và trên ngai vàng, nhưng hoà mình với dân như một người mục tử sống với chiên, lo cho chiên và đồng hành với chiên.
Vị vua ấy không bắt dân phải cung phụng và phục dịch mình, nhưng xả thân chăm sóc đến nỗi hiến cả mạng sống mình cho dân.
Luật trong Nước của Vua ấy không rườm rà và khắt khe, nhưng là Luật Yêu Thương, rất đơn giản và ngọt ngào.
Dân trong Nước ấy không hoan hô bằng miệng, không báo cáo bằng giấy, nhưng thực hiện Luật yêu thương một cách cụ thể bằng những việc giúp đỡ những người khốn khổ bé mọn.
Mọi người trong Nước ấy đối xử với nhau một cách vừa tôn trọng vừa thương mến như đối xử với chính Chúa vậy.
Hình ảnh lý tưởng ấy không phải là hoàn toàn ảo tưởng: Vị vua lý tưởng ấy chúng ta đã có rồi, đó là Chúa Giêsu; Luật lý tưởng ấy chúng ta cũng đã có rồi, đó là Luật yêu thương; chỉ còn thiếu một điều là chúng ta phải cố gắng làm những công dân lý tưởng như Chúa đã dạy.


Năm 1880, ở thành phố Paris, có một linh mục ăn mặc nghèo hèn đến gõ cửa nhà một cha sở xin được trọ qua đêm. Cha sở tiếp khách rất thờ ơ rồi chỉ cho linh mục ấy lên chiếc gác xép nhà xứ. Linh mục ấy tên là Gioan Bosco, từ Turin nước Ý sang Paris để quyên tiền về xây trường giáo dục các thiếu niên.
Nhiều năm sau, Giáo Hội đã tôn phong Gioan Bosco lên bậc hiển thánh. Khi nghe tin đó, cha sở nọ nói: "Phải chi lúc đó tôi biết ông ấy là Don Bosco thì tôi đâu có để Ngài ở trên cái gác xép ấy, trái lại tôi đã dành phòng khách sang trọng nhất cho Ngài rồi"
Chúng ta không bao giờ biết rõ những kẻ chúng ta gặp là những người như thế nào. Nhưng điều này không quan trọng. Ðiều quan trọng đối với những kẻ có đức tin là chính Chúa hiện thân trong những người ấy.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, yêu thương mà Chúa muốn con thực hành là những việc làm thiết thực cho những anh em nghèo khổ, cô thế cô thân: “Cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống, kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết”.
Yêu thương không dừng lại nơi thân xác, mà phải vươn lên trọn vẹn con người: “Lấy lời lành khuyên người, mở dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta và cầu cho kẻ sống và kẻ chết”.
Lạy Chúa, xin dạy con biết yêu thương anh em “như Thầy đã yêu thương”. Amen.









Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

Sự sống trong Chúa

Nhật tác
Quang Thiêm

Lời Chúa: Lc 20,27-40
 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: "Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ?"
 Đức Giê-su đáp: "Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham,Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.  Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống."
Bấy giờ có mấy người thuộc nhóm kinh sư lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói hay lắm." Thế là, họ không dám chất vấn Người điều gì nữa.

Suy niệm:
Lời Chúa hôm nay là một tin vui nhưng cũng là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về tôn trọng sự sống, bởi: “Đối với Thiên Chúa, tất cả đều đang sống.” Tin vui vì chúng ta hy vọng sẽ được sống lại, chúng ta có mặt trên đời và hiện diện mãi mãi, đời đời. Là lời thức tỉnh, bởi vì, chúng ta không thể hủy diệt được sự sống của chúng ta, dù chúng ta có tự kết liễu đời mình. Vì thế, niềm vui sẽ đến với gia đình chúng ta, nếu chúng ta nghe lời Chúa dạy biết kính trọng sự sống ở đời này để được bước vào sự sống đời đời.

Chúa mời gọi chúng ta tôn trọng và bảo vệ sự sống con người từ lúc đầu tiên thụ thai đến khi lìa đời. Trong mỗi gia đình, nếu cha mẹ biết cách dạy con, thì sẽ bớt đi những tiếng kêu não lòng: “Mẹ ơi đừng đánh con đau!”


Sự sống không thể bị hủy diệt. “Ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5,29). Điều đó gợi cho bạn suy nghĩ gì?
Xin lỗi Chúa vì tôi đã không biết quí trọng sự sống Chúa ban.


Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho chúng con biết: chỉ có một thực tại, đó là sống. Chúng con không muốn sống trong hỏa ngục, chúng con chỉ muốn sống đời đời bên Chúa mà thôi. Amen.





Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Nơi cầu nguyện


Nhật tác
Quang Thiêm


Lời Chúa: Lc 19,45-48
Chúa Giêsu vào Đền Thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!" Hằng ngày, Người giảng dạy trong Đền Thờ. Các thượng tế và kinh sư tìm cách giết Người, cả các thân hào trong dân cũng vậy.Nhưng họ không biết phải làm sao, vì toàn dân say mê nghe Người.



Suy niệm:
Việc tôn thờ Thiên Chúa lẽ ra phải hoàn toàn là việc thánh thiêng không thể có việc mua bán, đổi chác, hay trục lợi trong việc tế tự Thiên Chúa. Những đáng buồn là có một số người vì ham lợi đã làm cho việc tôn thờ Thiên Chúa đã bị nhiễm mùi thế tục và bị biến chất. Đức Giêsu đã bất bình với chuyện này nên Ngài quyết định thanh tẩy Đền Thờ qua hình thức đánh đuổi những kẻ mua bán ra khỏi nơi đó.


Tâm hồn của mỗi người chúng ta cũng là Đền thờ của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lo thu xếp, dọn dẹp tâm hồn mình để nên xứng đáng là cung điện cho Thiên Chúa ngự trị. Đừng để những dục tình, lợi lộc trần gian làm ô uế tâm hồn và lương tâm ngay lành của chúng ta. Hảy trả lại cho Thiên Chúa những gì tốt đẹp vốn có ở nơi Người mà vì yêu thương Người đã ban tặng cho chúng ta "của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa, của Cêsar hãy trả cho Cêsar".


Dành ra vài phút cuối ngày để kiểm điểm đời sống trong tương quan đối với Chúa, với mình và với tha nhân.