Thứ Tư, 31 tháng 12, 2014

Thinh lặng

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Lc 2,16-21
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.
Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ.
Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.


Hãy thinh lặng & thưởng thức




Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin giúp con biết chọn phần tuyệt hảo như Mẹ Maria: lắng nghe, thinh lặng và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. 





Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

Lòng thương xót của Chúa

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: "Tên cháu là Gio-an."Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ.Các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: "Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây ?"

Suy niệm:
Gioan hay Giokhanan có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót".
Tuy nhiên, không ai hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã từ chối không chịu đặt tên Gioan cho con trẻ. Họ không hiểu vì tâm trí của họ đang bị ràng buộc bởi những suy nghĩ của trần thế, quá lệ thuộc vào các tập quán cổ xưa. Vì thế, họ không còn cảm nhận được giá trị của lòng thương xót Thiên Chúa ban xuống cho con trẻ và gia đình: "Không ai trong họ hàng bà có tên này".


Với Zacharia cũng thế, lý luận mang tính cách trần thế đã khiến ông không tin nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đang được ban xuống cho gia đình ông. Vì thế mà ông đã phải lãnh nhận hình phạt là bị câm. Chỉ khi ông đã quyết định đặt tên cho con trẻ là Gioan, tức là khi ông tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì lúc đó ông mới được tha khỏi hình phạt, và cũng là lúc ông chúc tụng ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết bắt chước gương thánh Gioan Tẩy Giả, làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời nói của mình, bằng việc làm của mình, bằng gương tốt của mình, để giới thiệu Chúa Giêsu cho kẻ khác, để đem Chúa Giêsu đến cho kẻ khác, để làm cho mọi người biết Chúa Giêsu và yêu mến ngài. Amen.









Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Magnificat

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa:
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi" (Lc 1,46-47)

Suy niệm:
Đức Mẹ Maria ca ngợi Thiên Chúa qua bài Magnificat nhằm gói trọn tâm tình biết ơn, hiếu thảo và yêu mến của một thụ tạo thấp hèn đối với Thiên Chúa thật là cao cả. Phần chúng ta mỗi lần đến với Chúa, qua những việc đạo đức, chúng ta cần nhận mình là những người thấp hèn để khơi dậy niềm tin, cậy mến và tâm tình hân hoan hiếu thảo đối với Thiên Chúa là Đấng nhân lành và đầy tình thương xót. Mùa vọng cũng là lúc thuận tiện để chúng ta dọn mình và tập luyện cho mình một đời sống khó nghèo theo Tin Mừng và theo Đức Maria một tâm hồn đầy khiêm tốn.


Mẹ thật xứng đáng được Thiên Chúa chọn, để làm Mẹ của Ngôi hai Thiên Chúa. Chúng ta cũng bắt chước Mẹ, sống khiêm tốn mỗi ngày, và vui mừng hớn hở trong lòng để dệt lên bài ca Magnificat, ngợi khen Thiên Chúa.





Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin cho con nhận ra mình yếu hèn thấp kém, để con không còn kiêu căng, mà tạ ơn Chúa mỗi ngày trong cuộc sống. Amen









Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Xin vâng


Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." (Lc 1,38)

Suy niệm:“Nếu một lần trong lịch sử đã không có một tiếng Xin vâng, (Fiat)… thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Là sẽ không có lễ Giáng Sinh, sẽ không có lễ Phục Sinh, sẽ không có một niên lịch phụng vụ thánh.
Là sẽ không có Chính thống giáo, Tin lành, Anh Giáo, Công giáo… gọi chung Kitô giáo.
Là sẽ sẽ không có thánh giáo phụ, thánh hiển tu, thánh đồng trinh, thánh tử đạo … các thánh nam nữ
Là sẽ không có Đức giáo hoàng, các viện phụ, hồng y, giám mục, mục sư, linh mục… là không có dòng tu, không có thánh đường, tu viện…




Vì Mẹ đã nói Xin Vâng với Chúa. Xin Mẹ cũng dạy chúng con biết nói Có với Chúa, hai tiếng xin vâng chân thành và trách nhiệm.”




Mẹ đón nhận lời truyền tin với tâm hồn đơn so khiêm tốn. Rồi Mẹ trả lời Tổng lãnh thiên thần cũng với tâm hồn khiêm tốn đơn sơ trong sáng : “Xin vâng”. “Xin vâng” là một lời khấn hứa. Mẹ“xin vâng” với tất cả tâm tình phó thác, hoàn toàn sẵn sàng để Chúa dùng mình vào bất cứ chương trình nào.


Cầu nguyện:
Xin dạy con hai tiếng Xin Vâng với Thánh ý Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường như hai tiếng Xin Vâng với sứ thần Gabriel của Mẹ năm xưa . Xin dạy con biết tạ ơn Chúa một cách đơn sơ khiêm nhường vì tất cả những gì con đã nhận được và những gì con chưa nhận được trong cuộc sống này. Xin cho con biết vui vẻ chấp nhận Thánh Giá mà Chúa trao ban cho mỗi người chúng con để biết vác Thánh Giá theo bước chân Con Mẹ và của Mẹ một cách đơn sơ và khiêm nhường. Amen!










Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Phó dâng

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa:
"Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Người thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời." (Lc 1,25)

Suy niệm:
- Thiên Chúa có kế hoạch và thời gian của Ngài. Chúng ta chỉ hiểu được phần nào kế hoạch của Thiên Chúa qua sự mặc khải của Đức Kitô và các sứ giả của Ngài.
- Thiên Chúa cho con người vào đời và chuẩn bị cho mỗi người một sứ vụ trong kế hoạch của Ngài. Chúng ta phải hoàn tất sứ vụ Ngài giao phó.

- Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể xảy ra. Chúng ta phải đặt trọn vẹn niềm tin vào Ngài.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Chúa cho con đừng quá bận tâm vào việc sẽ ăn gì, mặc gì, hay làm việc gì, cho con biết dừng lại trong thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Để con có một quyết định nghiêm túc, khi phải hành động hay phát biểu về một vấn đề gì, và cho con biết tìm kiếm sự hướng dẫn của Chúa trong thinh lặng cầu nguyện.



Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Emmanuel

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt1, 18-24
Sau đây là gốc tích Chúa Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta." 24 Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Suy niệm:
Nhắc đến những giai đoạn chính yếu của lịch sử cứu độ là nhắc đến mầu nhiệm tuyển chọn của Thiên chúa và sự đón nhận của con người. Bằng quyền năng Chúa Thánh Thần, với lời ưng thuận của mẹ Maria, sự đón nhận của Thánh Giuse, Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần, Ngài đến trần gian thiết lập một vương quốc công lý, yêu thương và an bình.

Mùa vọng là thời gian chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh, sứ điệp được khẩn thiết gởi đến chúng ta là “ Hãy sám hối, hãy dọn đường cho Chúa”. Emmanuel, Thiên chúa ở cùng chúng ta, một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, nhưng làm thế nào để Ngài thực sự đến được với tâm hồn chúng ta ? Thánh Gioan tiền hô mời gọi : “ hãy làm việc lành cho xứng với lòng sám hối” đó là cách tích cực để chúng ta dọn tâm hồn đón Chúa . Và như vậy dọn đường đón Chúa cũng là mở đường cho chúa đến, để bình an, niềm vui chúa giáng sinh đến được với ta và với con người hôm nay.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, trong việc chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng sinh, Xin Chúa ban cho con có được tinh thần khiêm nhu, một đời sống quảng đại,một tâm hồn nhiệt thành như Đức Maria, như Thánh Giuse, như Ngôn sứ Gioan Tiền hô để đón chúa và mở đường cho Chúa. Amen.




Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Gia phả

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt1, 11-17
Giacóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Chúa Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô. 17 Như thế, tính chung lại thì: từ tổ phụ Ápraham đến vua Đavít, là mười bốn đời; từ vua Đavít đến thời lưu đày ở Babylon, là mười bốn đời; và từ thời lưu đày ở Babylon đến Đức Kitô, cũng là mười bốn đời.

Suy niệm:
Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuẩn bị gần để đón chào mầu nhiệm Giáng sinh của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu kitô, Chúa chúng ta.
Hôm nay, Tin mừng thuật lại cho chúng ta biết gia phả của Đức Giêsu. Khi sinh xuống làm người, Đức Giêsu nên giống con người mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Vì thế, Ngài cũng chọn cho mình được sinh ra trong một gia đình có gia phả, có anh em bà con với Ngài. Đức Giêsu có khác với chúng ta là Ngài tự chọn cho mình dân tộc Ngài sinh ra, gia đình Ngài sinh ra . . . Nhưng chúng ta thầy gì trong chọn lựa của Đức Giêsu: Ngài chọn sinh ra trong một gia đình Do thái quê mùa, nghèo khó, âm thầm với người mẹ người cha không chức phận danh giá gì. Mầu nhiệm Giáng sinh trở nên mầu nhiệm của tình yêu nằm chính ở nơi đây, ở chính sự chọn lựa của Đức Giêsu.


Nhìn lại gia phả của Đức Giêsu, ta thấy nơi đây có nhiều thành phần: có những con người đạo đức thánh thiện nhưng cũng có cả những con người tội lỗi, ngoại giáo nữa. Đức Giêsu đã chấp nhận tất cả vì Ngài muốn trở nên "ruột thịt" với hết mọi người, nhất là những người tội lỗi, nghèo khó và bị bỏ rơi. Chúa làm người để nâng con người lên địa vị cao sang, làm con Chúa. 


Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa khiêm nhường để chịu sinh ra trong một Đức Giêsu đơn sơ, nghèo khó và âm thầm. Xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự như là quà tặng tình yêu của Chúa cho chúng con, để đời sống của chúng con luôn được bình an và hạnh phúc trong Chúa luôn mãi. Amen.









Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Kẻ trước người sau

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt 21,28-32
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: 28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho". 29 Nó đáp: "Con không muốn đâu!" Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây!" nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?" Họ trả lời: "Người thứ nhất". Ðức Giêsu nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy".

Suy niệm:
Con người là sai phạm, là mỏng dòn, là đầy lầm lỗi. Nhưng có biết ăn năn hối cải và phuc thiện không hay luôn chìm đắm trong tội lỗi. Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa cho biết hai hạng người, một kẻ nói mà không làm, một kẻ không nhận sau đó lại làm. 
Thời Chúa Giêsu cũng thế và nay cũng vậy, quá nhiều người nói hay nhưng chẳng bao giờ thấy họ đụng đến, chỉ biết lợi dụng quyền hạn của mình sai người khác còn mình ngồi chơi xơi nước, ăn trên ngồi trốc. Chính vì thế, những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Chúa ban ơn giúp sức cho con để con biết lắng nghe Lời Chúa, và cải thiện cuộc sống mỗi ngày, một tốt đep hơn. xứng đáng là con cái Người. Amen








 

Chủ Nhật, 14 tháng 12, 2014

Hỏi & Đáp

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt 21,23-27
Một hôm, Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?" Đức Giê-su đáp: "Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?" Họ mới nghĩ thầm: "Nếu mình nói: "Do Trời", thì ông ấy sẽ vặn lại: "Thế sao các ông lại không tin ông ấy?"Còn nếu mình nói: "Do người ta", thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ."Họ mới trả lời Đức Giê-su: "Chúng tôi không biết." Người cũng nói với họ: "Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy."


Suy niệm:
Đây là một trong những cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và giới lãnh đạo Do thái; và nó xảy ra ngay sau khi Chúa Giêsu đánh đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ. Giới lãnh đạo Do thái chất vấn Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm như thế?” Thực ra việc làm của Chúa Giêsu không phải làm cho cuộc lễ ở đền thờ trở nên náo loạn và giới lãnh đạo Do thái chất vấn Ngài cũng không phải là muốn đem lại trật tự của Đền thờ, nhưng cốt lõi là vì Chúa Giêsu đã đụng chạm đến quyền lợi của họ. Thật vậy, buôn bán trong đền thờ vào những dịp lễ lớn là nguồn thu rất lớn đối với họ, nhất là gia đình vị Thượng tế.


Nhìn lại suốt hành trình rao giảng của Chúa Giêsu, không ít lần Ngài đụng chạm đến giới lãnh đạo Do thái này. Nguyên nhân dẫn đến sự chống đối của họ là vì họ sợ mất ảnh hưởng, mất vinh dự hay quyền lợi nào đó. Vì cố bám víu vào danh dự, quyền lợi, địa vị mà họ tỏ ra cố chấp trước lời rao giảng của Chúa Giêsu. Vì bám víu vào đó họ sẵn sàng phủ nhận sự thật về Gioan Tẩy Giả và về Chúa Giêsu



Giàu sang, danh dự, quyền lực ẩn chứa mối nguy hiểm cho chúng ta trước Tin mừng của Chúa. Mùa vọng gợi lên cho chúng ta niềm chờ mong ngày Chúa đến. Ngài đã đến với chúng ta và đã đem đến cho chúng ta Tin mừng về Nước Chúa. Ngài sẽ đến với chúng ta trong ngày quang lâm để ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Thái độ khôn ngoan trong khi chờ đợi ngày đó là luôn biết hướng về Ngài bằng một con tim ngoan hiền chứ không phải tấm lòng chai đá như giới lãnh đạo Do thái.



Con tim ngoan hiền là biết mở rộng đón nhận Tin mừng của Ngài, đón nhận sự thật mà Ngài mang đến và khiêm tốn nhìn nhận sự yếu hèn của mình, vượt qua những cám dỗ của giàu sang và quyền lực. Không ít lần chúng ta vì chút lợi lộc nào đó mà nhắm mắt, thậm chí phủ nhận sự thật mà chúng ta biết rất rõ.
Chúa vẫn tiếp tục gởi đến cho chúng ta nhiều “Gioan Tẩy Giả” để kêu mời chúng ta dọn đường cho Chúa, nói cho chúng ta về Tin mừng của Chúa. Cần biết khiêm tốn, lắng nghe và đón nhận, chúng ta mới mong gặp gỡ được Chúa




Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt thắng những ích kỷ nhỏ nhen, những cám dỗ của quyền lực và của vật chất để chúng con có được con tim ngoan hiền trước Tin mừng của Chúa. Amen.



Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2014

Hãy sửa lại

Nhật tác
Quang Thiêm

Lời Chúa: Mt 17,10-13
Khi xuống núi, các môn đệ hỏi Chúa Giêsu rằng: "Tại sao các luật sĩ lại nói Êlia phải đến trước đã?"
Chúa Giêsu trả lời: "Thật Êlia phải đến để chấn hưng mọi sự. Và Thầy bảo các con, Êlia đã đến rồi, và họ không nhận biết ông, nhưng đã đối xử với ông như ý họ. Cũng vậy, Con Người sẽ phải đau khổ bởi họ".
Bấy giờ các môn đệ hiểu Chúa Giêsu nói với họ về Gioan Tẩy Giả.

Suy niệm:
Thánh Gioan thuộc về giai đoạn chuẩn bị và trong giai đoạn chuẩn bị này, thì ông là người lớn hơn cả. Nhưng người đến sau ông, tức là Đức Kitô Con Thiên Chúa làm người, vị cứu tinh của thời buổi sau hết, lại lớn hơn ông. Cái lớn lao của ông là cái lớn lao của công việc chuẩn bị, dẫn người ta đến với Đức Kitô, vì thế khi Đức Kitô bắt đầu xuất hiện trước công chúng để rao giảng Tin mừng, thì lập tức ông lui vào bóng tối vì vai trò của ông đã hoàn tất như lời ông đã nói: Ngài cần phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi.


Còn chúng ta thì sao? Mỗi người chúng ta cũng phải là một Gioan Tiền hô giữa lòng cuộc đời, nghĩa là chúng ta cũng phải dẫn đưa mọi người đến tìm gặp Chúa. Bởi vì:

Với một đời sống đạo đức và thánh thiện, bác ái và yêu thương, chúng ta cũng sẽ là những tiền hô
giới thiệu khuôn mặt đích thật của Đức Kitô cho những người chung quanh chúng ta.


Thánh Gioan đã tóm tắt tất cả cuộc sống của Ngài trong câu nói: “Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Dưới cái nhìn của con người, như Chúa Giêsu cũng đã có lần khen tặng, Gioan là con người cao cả nhất được sinh ra từ người nữ. Ngày sinh của Ngài được đánh dấu bằng những biến cố khác thường. Sự chào đời của Ngài đã mang lại niềm vui và hy vọng cho mọi người xung quanh. Vị tiên tri được xem là cao cả nhất trong lịch sử Israel ấy đã lôi kéo được một đám đông mà chưa từng có vị tiên tri nào quy tụ được… Thế nhưng, cuối cùng, để hoàn tất sứ mệnh của mình, con người ấy đã nhỏ lại và mất hẳn trong kiếp tù đày và sau đó là một cái chết vì một lời hứa.


Gioan nhỏ lại trong cái chết ấy, nhưng Chúa Giêsu lớn lên trong Mầu Nhiệm của Ngài, bởi vì cái chết của Gioan là một loan báo về chính cái chết của Chúa Giêsu… Nhưng cũng chỉ trong cái chết của Chúa Giêsu, cái chết của Gioan mới có ý nghĩa… Trong bóng thập giá của Chúa Giêsu, Gioan đã tìm lại được chính mình.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa, xin Chúa cho con được nhỏ lại trong cái nhìn hẹp hòi ích kỷ của con, cho con nhỏ lại trong những ham muốn ganh tỵ bất chính của con, cho con nhỏ lại trong hận thù nhỏ nhen của con, thì lúc đó Đức Kitô mới thực sự lớn lên trong con, con xin cảm tạ Chúa.






Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Lớn nhất & Nhỏ nhất

Nhật tác
Quang Thiêm
Lời Chúa: Mt 11,11-15
 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!"


Suy niệm:
Trong Mầu nhiệm cứu chuộc, thánh Gioan là một nhân vật rất quan trọng. Thời Cựu Ước đã chấm dứt với thánh Gioan, một kỷ nguyên mới bắt đầu: đó là kỷ nguyên cứu thế. Chúa Giêsu khen ngợi Gioan là người cao trọng vì sứ mạng cao cả của ông là tiền hô cho Đấng Cứu Thế.




Gioan đến kêu gọi chúng ta: đường quanh co uốn cho ngay, hố sâu lấp cho đầy, đồi cao hãy bạt xuống, để dọn đường cho Chúa ngự đến. Cuộc sống mỗi người chúng ta đều có hố sâu ngăn cách chúng ta với kẻ khác, có núi cao che khuất lòng chúng ta trước đau khổ của kẻ khác, có những cuộc sống quanh co đối với Chúa hay với những người chung quanh. Trước lời mời gọi của thánh Gioan hôm nay, chúng ta hãy nhìn vào chính mình, vào gia đình mình để nhận cho ra đâu là núi đồi, đâu là vực sâu đâu là đường quanh co trong cuộc sống.


Cầu nguyện:
Lạy Chúa xin cho con biết vươn mình lên cao, vượt lên mọi ý nghĩ tầm thường để con dễ dàng tha thứ, yêu thương và quảng đại trao ban cho anh chị em con.