Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

GX.Trung chánh: Cảm tạ Thiên Chúa tri ân tiền nhân

Quang Thiêm

Nguyệt tác

Giáo xứ Trung Chánh: Cảm tạ Thiên Chúa, tri ân tiền nhân
T4, 25/08/2010 - 11:11
WGPSG -- Vào lúc 17 giờ thứ Bảy, ngày 21/08/2010 tại giáo xứ Trung Chánh, hạt Hóc Môn, cha chánh xứ Antôn Phạm Gia Thuấn, cũng là cha Hạt trưởng hạt Hóc Môn, chủ sự Thánh lễ cùng với cha Louis Nguyễn Anh Tuấn, Đặc trách Mục vụ Hôn nhân và Gia đình thuộc Tổng Giáo phận TP.HCM cùng 4 linh mục, đã long trọng cử hành Thánh lễ đồng tế mừng ngày Truyền thống của giáo xứ 22/08/2010 và kỷ niệm 56 năm thành lập, 03 năm cung hiến Thánh đường. Bên cạnh đó, giáo xứ cũng hân hoan mừng đón 133 đôi hôn phối qua mốc 05 năm, 10 năm… 75 năm, cùng hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn qua bậc năm: Ngân khánh, Kim khánh, Ngọc khánh Hôn phối.
Mở đầu Thánh lễ, cha Hạt trưởng nói lên ngày hồng phúc của giáo xứ và cũng để cảm tạ hồng ân Thiên Chúa, cùng tri ân các bậc tiền nhân đã bỏ công sức, xương máu của mình để xây dựng giáo xứ mỗi ngày một phát triển.
Đặc biệt, ngày hôm nay, giáo xứ cử hành nghi thức trao kỷ niệm chương cho các đôi hôn nhân từ 05 – 10 đến 75 năm, để các gia đình luôn biết kết hiệp và noi theo gương Thánh Gia. Gia đình tốt, giáo xứ tốt thì xã hội mới tốt.
Trong bài giảng, cha Louis nhắc lại, ông Adong đã được Thiên Chúa tạo ra giống hình ảnh Người, và Thiên Chúa thấy, lúc nào ông cũng buồn rười rượi, nên Người tạo ra Eva để cùng làm bạn với ông. Và cha mời gọi quý cụ, quý ông, quý anh nhớ lại thuở thanh niên xa xưa ấy. Vào một khoảnh khắc nào đó, chợt một thoáng bông hồng, một nửa của mình, xuất hiện, để rồi khi về nhà, đi ra, đi vào…
“ Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ!
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai?”
Cảm thấy như thiêu thiếu một cái gì và chợt phát hiện ra bóng dáng ấy, đúng là xương tôi và đấy là thịt tôi để kết hợp trong sự hiệp thông của Thiên Chúa.
“Sự gì Thiên Chúa liên kết loài người không được phân ly” (Mc 10, 6-9).
Và ngài cũng nhắc nhở: ĐHY Gioan Baotixita, vị chủ chăn đã gửi đến cho chúng ta trong Năm Thánh này: ngoài việc nhìn lại quá khứ và nhìn vào hiện tại, chúng ta còn có nhiệm vụ hướng tầm nhìn đến tương lai, để canh tân “Giáo hội tại gia” là gia đình tín hữu; Giáo hội tại cộng đoàn là dòng tu, giáo xứ; Giáo hội tại địa phương là Giáo phận. Và bốn trụ cột chính là: tình yêu, sự thật, công lý và bình an. Chúng ta hãy thực thi và luôn cầu nguyện vì qua cuộc sống mong manh dễ vỡ của hôn nhân và gia đình mà quý cụ, quý ông bà và các anh chị đã từng trải qua cùng có quá nhiều kinh nghiệm.
Cuối Thánh lễ, ông Chủ Tịch HĐMV có lời chúc mừng quý cụ, quý ông bà, quý anh chị nhân ngày kỷ niệm lãnh nhận bí tích Hôn Phối, được hồn an xác mạnh, luôn biết noi gương Thánh Gia Thất:
-Sốngthánhthiệnyêuthương
-SốngtrungthànhvớiThiênChúalàChanhânlành
- Sống chung thủy với nhau đến trọn kiếp răng long đầu bạc
“ Trăm năm tình viên mãn,
Bạc đầu nghĩa phu thê.
Mãi đẹp đời gia thất,
Hưởng dư tràn Thánh ân.”
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ


Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Lễ giỗ mãn tang cha cố Giuse Maria Phạm Châu Diên

Quang Thiêm

Nguyệt tác

Lễ giỗ mãn tang cha cố Giuse Maria Phạm Châu Diên
T2, 16/08/2010 - 10:54
WGPSG -- Vào lúc 10 giờ thứ Bảy, ngày 14/08/2010 tại nhà nguyện Hiệp Hội Thánh Mẫu, giáo xứ Sao Mai, hạt Chí Hòa thuộc Tổng Giáo phận TPHCM, cha Đa Minh Đinh Ngọc Lễ, chánh xứ giáo xứ Hà Nội và cũng là cha Hạt trưởng hạt Xóm Mới là học trò của cha cố Giuse Maria Phạm Châu Diên, đã chủ sự Thánh lễ cùng với cha Hạt trưởng hạt Tân Sơn Nhì và 15 linh mục trong Giáo phận long trọng cử hành Thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho cha cố Giuse Maria vào ngày lễ giỗ mãn tang 14/08/2007 – 14/08/2010.
Nhân ngày lễ giỗ cha cố Giuse Maria hôm nay, cha Hạt trưởng chủ tế nhắc nhở cộng đoàn, với thân phận mỏng dòn của con người, chúng ta không thể biết ngày nào, giờ nào Chúa sẽ gọi chúng ta về với Người. Chính vì thế, chúng ta phải luôn sẵn sàng. Sáng thức dậy, chúng ta phải biết dâng mình cho Chúa, khi ra ngoài đường chúng ta cũng phải biết cầu xin Chúa thứ tha mọi lỗi lầm, vì những điều bất ngờ mà chúng ta không thể biết được, trước khi đi ngủ chúng ta không quên cảm tạ hồng ân mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong ngày. Và cha Hạt trưởng kể lại câu chuyện khi ngài đến thăm cha cố, ngài tuổi già mắt mờ, không nhận ra tôi, khi tôi tự giới thiệu là linh mục học trò của ngài, cha cố vội quì xuống chân tôi và xin xưng tội, tôi thật sự bất ngờ, lung túng vì sự khiêm nhường của ngài. Tôi đỡ ngài lên giường và run run giải tội cho ngài. Cha chia sẻ tiếp, ngài là một đấng thánh thiện và khiêm nhường dường ấy mà cũng luôn luôn thức tỉnh, sẵn sàng vì thân phận mỏng dòn của con người.
Cuối Thánh lễ, cha Giuse Trịnh Văn Thậm, nghĩa tử của cha cố, thay mặt con cháu linh tông, bà con nội ngoại, chân thành cám ơn quý cha, quý tu sĩ cùng cộng đoàn đã bớt thời gian quý báu của mình đến hiệp dâng Thánh lễ cùng cầu nguyện cho cha cố, tuy công việc mục vụ của ngày Đại Lễ mừng kính Đức Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời rất là bận rộn.
Và cha Giuse cũng chia sẻ: Theo truyền thống, cha cố được Chúa gọi về, sau 03 năm chúng ta cử hành lễ giỗ mãn tang. Nhưng với niềm tin Kitô hữu, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời, vì chúng ta đã được phục sinh với Chúa Kitô và cha cố của chúng ta đến hôm nay đã được sinh ra trong Nước Hằng Sống hưởng hạnh phúc được tròn 03 năm. Sau cùng, gia tộc xin được gửi đến toàn thể quý vị Tập thơ của cố thi sĩ Micae Vũ Hồng được phóng tác theo cuốn “Hồi Ký Đời Tôi” của LM Giuse Maria Phạm Châu Diên.
“Đường của Chúa mênh mang vô tận,
Trí loài người suy luận sao ra,
Thân mình là của Chúa Cha,
Vâng theo ý Chúa thì ta an bình.”
TIỂU SỬ LINH MỤC GIUSE MARIA PHẠM CHÂU DIÊN - TÔNG ĐỒ THÁNH GIUSE
- Sinh ngày 28/ 10/ 1914, tại Lục Thủy, Xuân Trường, Nam Định
- Rửa tội ngày 04/ 11/ 1914 tại Lục Thủy
- Cha là ông: Đa Minh Phạm Văn Duy
- Mẹ là bà: Maria Vũ Thị Trưng
- 1936 Đậu Thành Chung và Thư Ký
- 1937 Học Tiểu Chủng viện Ninh Cường
- 1938 Học Triết học Đại Chủng viện Quần Phương
- 04/ 08/ 1946 Thụ phong Linh mục tại Bùi Chu do ĐGM Hồ Ngọc Cẩn
- 1946 – 1947 Giáo sư Tiểu Chủng viện Ninh Cường
- 1948 – 1952 Thư ký TGM Bùi Chu, kiêm trưởng ban Học Chánh Bùi Chu
- 1952 – 1956 Bề trên Dòng Con Đức Mẹ Mân Côi (Di cư năm 1954)
- 1956 – 1957 Tổng Thư ký Công Giáo Tiến Hành Việt Nam
- 1957 – 1964 Truyền giáo tại Qui Nhơn, lập họ giáo và nhà thờ Gánh Ráng, Giáo sư Đại Chủng viện Qui Nhơn
- 1964 – 1966 Phó xứ Tân Sa Châu
- 1966 – 1975 Chánh xứ Trung Chánh, xây dựng nhà thờ Trung Chánh, xây dựng Đền Thánh Giuse Mỹ Hòa
- 1975 – 1990 Dưỡng bệnh tại Chí Hòa
- 1990 – 2007 Hưu dưỡng tại nhà hưu dưỡng Bùi Chu, xây Đền Công Chính 1992, trùng tu Đền Công Chính 2006
 An nghỉ trong Chúa lúc 9g30 ngày 14 tháng 08 năm 2007v
 Tại: Nhà Hưu Dưỡng các Linh mục Bùi Chu – Đền Công Chínhv
 An táng tại: Nghĩa Trang các Cha Trung Chánh – Hóc Mônv


Quang Thiêm

Nguyệt tác

Gx. Tân Thái Sơn: Mùa hồng ân
T6, 09/07/2010 - 09:03
WGPSG -- Trong niềm hân hoan cử hành Thánh lễ Tạ ơn kỷ niệm 55 năm hồng ân linh mục của cha cố Giuse Maria Đinh Cao Tùng, giáo xứ Tân Thái Sơn cũng tổ chức cho 106 em thiếu nhi được lãnh nhận bí tích Thêm Sức và 121 em Rước lễ lần đầu. “Niềm vui góp lại, niềm vui lớn.”
Đúng 9giờ30 ngày 07/ 07/ 2010, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đến chủ sự Thánh lễ đồng tế với cha Hạt trưởng hạt Tân Sơn Nhì cùng 34 linh mục tại nhà thờ Thánh Gia - giáo Xứ Tân Thái Sơn.
Đoàn rước kiệu từ nhà xứ tiến về nhà thờ
 Đầu tiên, cha chánh xứ phát biểu đôi lời cám ơn Đức cha Phụ tá Phêrô, quý cha, quý tu sĩ, quý vị chính quyền các cấp cùng toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Tiếp đến ngài kể đôi nét về cha cố Giuse Maria…, và đại diện cộng đoàn dâng lên cha cố những bó hoa tươi thắm để chân thành cám ơn vị mục tử đã hết lòng phụng sự Chúa và phục vụ Giáo hội trong suốt 55 năm qua. Tuy tuổi già sức yếu, ngồi trên chiếc xe lăn nhưng cha cố cũng không quên đáp lại những chân tình mà mọi người đã mang lại cho cha bằng những lời cám ơn chân thành nhất.
Trong Thánh lễ, Đức cha Phụ tá chúc mừng cha cố trong ngày hồng ân kỷ niệm 55 năm linh mục. Đức cha thân mật đến với các em thiếu nhi, hỏi và chia sẻ về Chúa Thánh Thần trong tâm tình hết sức cởi mở.
Giáo xứ Tân Thái Sơn thuộc Hạt Tân Sơn Nhì, tọa lạc tại: Số 01 Hoàng Văn Hòe, phường Tân Quý, Quận Tân Phú, Tp.HCM.
Năm 1954, phần lớn giáo dân xứ Lương Điền, Địa phận Thái Bình, theo sự hướng dẫn của linh mục chánh xứ Đaminh Trần khắc Thiệu, thực hiện việc di dân vào miền nam lập nghiệp. Vào Saigòn, ngài mua 4.1 mẫu đất ở xã Tân Sơn Nhì, quận Tân Bình, tỉnh Gia Định, đưa giáo dân về lập trại định cư Tân Thái Sơn.
Năm 1957, Đức Giám mục chuẩn y việc thành lập giáo xứ Tân Thái Sơn, thuộc hạt Phú Bình, do linh mục Đaminh Trần Khắc Thiệu làm chánh xứ tiên khởi và nhận Thánh Gia Thất làm bổn mạng của giáo xứ, với số giáo dân khoảng 4800 người, phân chia thành 03 giáo khu.
Ban đầu xây nhà thờ bằng tôn, lập chợ, lập nghĩa trang.
1960-1976: Linh mục chánh xứ Antôn Trịnh Ngọc Văn.
Để mở rộng giáo xứ, ngài đã mua thêm 14 thửa đất, làm 02 con đường, nay là đường Tân Quý và Lê Sát. Xây dựng 02 ngôi trường tiểu và trung học Tân Thái Sơn.
Năm 1971 cha xứ Antôn khởi công xây dựng nhà thờ mới và ngày 30.04.1972 Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình cử hành Nghi thức Cung hiến Thánh đường.
1976-1991: Linh mục chánh xứ Đaminh Bùi Quang Tuyến.
Năm 1981 ngài sửa chữa nhà thờ và xây dựng tháp chuông.
1991-1994: Linh mục chánh xứ Gioan Baotixita Nguyễn Văn Thục.
1994-2009: Linh mục chánh xứ Giuse Đinh Cao Tùng, linh mục phụ tá Phêrô Nguyễn Quốc Túy.
Trước tình hình giáo dân trong xứ ngày một tăng, nhà thờ, nhà xứ đã xây dựng hơn 30 năm, nay đã hư hao xuống cấp và chật hẹp, cha chánh xứ Giuse, cha phụ tá Phêrô cùng giáo dân trong xứ quyết tâm tập trung công sức, tiền của để xây dựng một số công trình quan trọng, cần thiết, phục vụ cho hoạt động của giáo xứ.
Ngày 15.12.1996: Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc đặt viên đá đầu tiên, khởi sự việc xây dựng nhà sinh hoạt giáo xứ.
Ngày 07.12.1997: Đức cha Phụ tá Aloysio Phạm Văn Nẫm chủ tế Thánh lễ Tạ ơn, khánh thành nhà sinh hoạt và nhà xứ mới, với sự hiện diện của Đức cha Alexis Phạm Văn Lộc, cha Tổng đại diện GB. Huỳnh Công Minh.
Năm 1998: xây Hoa viên giáo xứ.
Ngày 05.12. 2004: Đức cha Phú Cường Phêrô Trần Đình Tứ chủ sự Thánh lễ Tạ ơn, đặt viên đá đầu tiên, khởi công xây dựng nhà thờ mới, có đường nét kiến trúc mang sắc thái Á Đông, thể hiện tính dân tộc, hội nhập văn hóa.
Ngày 31.12.2006: Đức cha Phụ tá Giuse Vũ Duy Thống chủ sự Thánh lễ Tạ ơn, khánh thành Hội trường và tầng hầm, hoàn thành phần thô nhà thờ.
Ngày 12.08.2007: Cha Tổng đại diện GB. Huỳnh Công Minh làm phép 03 quả chuông mới.
Ngày 22.12.2007: ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám mục Giáo phận dâng Thánh lễ Tạ ơn, cắt băng khánh thành và chủ sự Nghi thức Cung hiến Thánh đường.
Ngày 05.01.2008: Đức cha Phụ tá Giuse Vũ Duy Thống chủ sự Thánh lễ Tạ ơn cho giáo dân trong xứ, mừng ngôi Thánh Đường mới xây dựng hoàn thành.
Sinh hoạt giáo xứ
Khu vực giáo xứ Tân Thái Sơn hiện nay một phần thuộc phường Tân Quý, một phần thuộc phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú.
Tổng số giáo dân khoảng 6000 người và hơn 2000 di dân cùng sinh hoạt tại giáo xứ.
Hội đồng Mục vụ giáo xứ được tổ chức và hoạt động có quy củ, hiệu quả hơn. Ba giáo khu từ lúc ban đầu, đến nay đã phát triển thành năm giáo họ Giáo xứ có 04 ca đoàn
Thành lập lớp ơn gọi của giáo xứ. Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc vun trồng và nuôi dưỡng ơn gọi cho con em trong giáo xứ, nay giáo xứ quyết định thành lập lớp ơn gọi, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của quý cha, quí xơ và một số cộng tác viên.
- Thành phần tham dự lớp ơn gọi: Các em thiếu nhi nam nữ từ 09 tuổi trở lên và có ý hướng tìm hiểu ơn gọi.
- Chương trình sinh hoạt:
* Một tháng 02 lần vào Chúa nhật II và Chúa nhật IV trong tháng từ 08.30 - 09.30, tại Hội trường sinh hoạt Giáo xứ.
• Một năm các em tĩnh tâm 02 lần, họp phụ huynh 01 lần để báo cáo sinh hoạt.
• Mùng bốn tết họp mặt truyền thống lớp ơn gọi cùng tất cả các tu sĩ nam nữ trong giáo xứ.
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ


Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Quang Thiêm

Nguyệt tác

Giới Trẻ Hạt Hóc Môn: Tĩnh tâm
CN, 21/03/2010 - 20:06
·         WWGPSG -- Vào lúc 18 giờ 30 ngày 20/03/2010 từng đoàn thanh niên nam nữ giáo hạt Hóc Môn đã qui tụ về Thánh đường giáo xứ Lạc Quang, để chiêm ngắm Chúa Giêsu và nhìn lại bản thân của mình, trong Mùa Chay Thánh đại phúc này.
Khai mạc buổi tĩnh tâm, cha Chánh xứ Fx. Trần Văn Thi đã diễn lại cảnh Chúa Giêsu vác Thập Giá đi lên đồi Golgotha, với lời gợi ý sám hối của anh Phêrô Mai Viết Mạnh, Trưởng giới trẻ giáo hạt Hóc Môn: Kính lạy Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, vì tội lỗi của nhân loại đặc biệt là của giới trẻ chúng con, chúng con đang sa chìm vào tiền tài, danh vọng, những thú vui vật chất, ảo ảnh của thế gian. Vì yêu thương nhân loại chúng con, Chúa đã phải chịu lưỡi đòng đâm thấu con tim, Máu cực Thánh Chúa đã tuôn trào từ Cây Thánh Giá qua hình ảnh những dải băng đỏ, tượng trưng Máu Thánh Chúa đang tuôn trào vào tâm hồn chúng con, liên kết chúng con lại với nhau, Thánh hóa tâm hồn chúng con để chúng con biết ăn năn trở về.
Bài ca "Hôm nay trở về, trở về cùng Chúa Chúa ơi" đã mở đầu cho Thánh lễ buổi tĩnh tâm toàn giáo hạt, gồm 19 giáo xứ của giáo hạt Hóc Môn, với sự chủ tế của cha giáo Giacôbê Phạm Văn Phượng Dòng Đaminh.
Trong Thánh lễ, cha Giacôbê chia sẻ: Đạo Công giáo chúng ta có hai ngày lễ lớn: Để chuẩn bị Lễ Giáng sinh chúng ta có bốn tuần Mùa Vọng; Lễ Phục sinh chúng ta có 40 ngày Chay Thánh. Trong Mùa Chay Thánh này, chúng ta có những buổi tĩnh tâm. Tĩnh tâm là phương tiện để giúp chúng ta nhìn vào chính mình, những gì tốt đẹp thì giữ lại,những thói hư tật xấu thì phải từ bỏ và quyết tâm sửa chữa. Thế kỷ của chúng ta là thế kỷ của tốc độ, ra khỏi nhà là lên xe, đi xa thì có máy bay, thông tin liên lạc alô, internet… chúng ta cứ vội vội vàng vàng làm mà không kịp suy nghĩ. Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải chân, chạy hoài mà không biết mỏi mệt. Nhưng dục tốc thì bất đạt, chúng ta cứ chạy hoài chạy miết chẳng thèm dừng lại một chút để tìm hiểu những nhu cầu của cuộc sống chung quanh mình. Nếu cứ cắm đầu chạy có thể nguy hiểm cho chính mình và cả cho người khác. Trong mùa Phục Sinh, Giáo Hội tạo điều kiện cho chúng ta những buổi tĩnh tâm để dừng lại, lắng đọng tâm hồn và xét lại lương tâm, để ăn năn sám hối, canh tân thánh hóa con người của chính mình, tiếp nối mầu nhiệm Vượt Qua và sự Phục sinh của Chúa Kitô
Sau Thánh Lễ, anh Trưởng Giới trẻ giáo hạt chân thành cám ơn cha Hạt Trưởng, cha Tổng Đặc trách, cha Giáo chủ tế, cha Chánh và Phó xứ Lạc Quang, quí cha, quí tu sĩ, ban thường trực HĐMV, các ban ngành đoàn thể, cộng đoàn cùng toàn thể các bạn trẻ.
·         Dòng tu & Đoàn thể


GX.Phú Bình: Mừng kính Lễ Thánh Gia Thất


Quang Thiêm

Nguyệt tác

Giáo xứ Phú Bình: mừng kính Lễ Thánh Gia Thất
T3, 29/12/2009 - 11:21
WGPSG -- Vào lúc 17 giờ ngày 27/12/2009, Đức Cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đến chủ sự Thánh lễ đồng tế với cha Hạt trưởng Hạt Phú Thọ, cha chánh xứ và một số linh mục để cùng chia sẻ hạnh phúc, trong ngày vui hân hoan mừng lễ Thánh Gia Thất Bổn mạng giáo xứ và niềm vui càng được nhân lên: 49 em trong giáo xứ được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức.
Trong nỗi vui mừng không tả vẫn đan xen những ưu tư của cha chánh xứ, ban thường trực hội đồng mục vụ và của cả các em thiếu nhi. Thánh lễ Thêm Sức được dự kiến cách đây sáu tháng, nhưng vì việc xây dựng nhà thờ đang còn dang dở Thánh lễ được dời lại hôm nay … Như lời ông phó chủ tịch HĐMV chia sẻ:
  Khi bắt đầu khởi công xây dựng ngôi thánh đường, khó khăn thứ nhất là cơn bão giá trong nước, thứ hai là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đặc biệt là cuộc sống của bà con trong xứ thực sự vất vả khó khăn, nhưng nhờ ơn Chúa cộng đoàn giáo dân cùng với cha chánh xứ hết sức cố gắng sau một năm sáu tháng, công trình xây dựng ngôi thánh đường đang bước vào giai đoạn cuối chờ hoàn thành. Chính vì thế giáo xứ vẫn còn đang rất cần nhờ sự hảo tâm của quí vị ân nhân xa gần, và của toàn thể cộng đoàn trong giáo xứ để hoàn tất công trình xây dựng nhà Chúa.
Cha chánh xứ cũng thổ lộ một chút tâm tình: tất cả mọi sự mọi việc đều là phụng sự Chúa và phục vụ Giáo Hội. Ngài cũng trăn trở, ưu tư cùng hoài bão nâng trình độ cũng như tri thức của cộng đoàn mỗi ngày một thăng tiến hơn.
Vài nét lược sử Giáo xứ Phú Bình
Giáo xứ Phú Bình tọa lạc tại số 423 đường Lạc Long Quân, Phường 5, Quận 11, thuộc giáo hạt Phú Thọ, Giáo phận Sài Gòn.
Giáo xứ được hình thành từ năm 1958, với khoảng 500 giáo dân.
Trước đó, vào năm 1955, khoảng 500 giáo dân từ Bàu Nai về sống chung với 3000 đồng bào Tày Nùng làm thành trại tiểu công nghệ dệt.
Thánh đường đầu tiên tường đất, mái lá, làm xong năm 1958.
Với lòng nhiệt tình của người mục tử, cha cố Tôma Phạm Ngọc Biểu đã cùng với giáo dân vượt qua rất nhiều sóng gió để hoàn thành Thánh đường giáo xứ vào năm 1960, cùng với nhà xứ, hội trường và lớp huấn nghệ
Các linh mục đã từng phụ trách giáo xứ:
 - Lm. Tôma Phạm Ngọc Biểu: 1958-1975
 - Lm. Antôn Nguyễn Quang Bạch: 1975-1991
 - Lm. Phêrô Nguyễn Xuân Đính: 1991-1996
 - Lm. Giuse Nguyễn Văn Niệm: từ 29/10/2007 đến nay
Năm 1991 hai họ lẻ Phú Hòa và Vĩnh Hòa được tách ra từ giáo xứ Phú Bình.
Từ năm 2001, các gia đình trong giáo xứ đã tiết kiệm dành dụm để chuẩn bị thực hiện một công trình ghi dấu ấn 50 năm hình thành và phát triển.
Giáo xứ Phú Bình trong hơn 40 năm tuy được tu sửa nhiều lần, nhưng nền và trần nhà thờ đã xuống cấp, giáo xứ chưa có một tháp chuông xứng đáng. Trong cuộc họp đại hội toàn xứ vào ngày 9.12.2007, cộng đoàn giáo xứ đã cùng với cha chánh xứ đồng lòng đi đến quyết định xây dựng một ngôi thánh đường mới.
Ngày 15.3.2008, Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã dâng Thánh lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Thánh đường giáo xứ Phú Bình.
Năm 2008 với số giáo dân là 2759.
Hôm nay Thánh đường giáo xứ Phú Bình đang bước vào giai đoạn cuối chờ hoàn thành.
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ


Thứ Tư, 19 tháng 2, 2014

Quang Thiêm

Nguyệt tác

Giáo xứ Chợ Cầu: những vị khách đặc biệt
T5, 20/08/2009 - 11:24
Thánh lễ Thêm Sức & Khách phương xa
Vào lúc 17:15 thứ hai ngày 17/8/09, thật bất ngờ, cộng đoàn giáo dân giáo xứ Chợ Cầu, ngạc nhiên lẫn vinh dự và hạnh phúc, được đón tiếp hai Đức Giám mục: đó là Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm và Đức Cha William Stephen Skylstad, nguyên Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Cùng đi với Đức Cha Skylstad còn có linh mục Gioakim Lê Quang Hiền và bà Virginia Farris làm việc tại Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.
Hai Đức Cha Phêrô và William cùng cha chánh xứ và các linh mục đã long trọng hiệp dâng thánh lễ đồng tế và ban bí tích Thêm sức cho 69 em thiếu nhi xứ nhà.
Sau thánh lễ, Đức Cha Skylstad chia sẻ về cuộc đời của ngài: khu vực gia đình Đức Cha ở không có người công giáo. Vì thế, từ thuở nhỏ, ngài rất muốn trở thành linh mục truyền giáo, mong có thêm người công giáo. Nhưng mãi đến năm 14 tuổi ngài mới có thể bỏ nhà ra đi với quyết tâm dâng hiến đời mình cho Chúa. Và hôm nay, được vinh dự đến thăm, cùng tham dự thánh lễ và ban bí tích Thêm sức ở đây, trong khung cảnh hân hoan nô nức và đông đảo giáo dân tham dự, ngài rất xúc động, vì bên Hoa Kỳ, thánh lễ Thêm sức không được ấm cúng hoành tráng như vậy.
Lược sử giáo xứ Chợ Cầu
Nhà thờ Chợ Cầu tọa lạc tại số 30/7 đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, Quận 12, TP. HCM.
Giáo xứ Chợ Cầu được thành lập năm 1896 dưới thời Pháp thuộc. Trải qua những năm tháng thời chiến, ngôi thánh đường sụp đổ, hoang tàn, hầu hết dân Sài Gòn – Gia Định lúc đó đều biết đến địa danh quen thuộc với tên gọi là “Nhà thờ Đổ”.
Năm 1964 cha già cố Giuse Nguyễn Hữu Nguyên lánh nạn chiến tranh, đưa một số giáo dân thuộc gốc Đồng Xá, Kiến An, Hải Phòng đang cư ngụ sinh sống tại Rạch Bắp, Bến Cát, tỉnh Bình Dương về đây, đồng thời xây dựng ngôi thánh đường nhỏ bé trên nền cũ “Nhà thờ Đổ”, và nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng. Đó là tiền thân giáo xứ Chợ Cầu ngày nay.
Năm 1989 Cha Tôma Nguyễn Văn Khiêm xây dựng lại ngôi thánh đường và tượng đài thánh Giuse.
Các cha sở tiếp theo: Cha Luy Gondaga Tô Minh Quang sửa nhà xứ, Cha An Tôn Nguyễn Văn Toàn xây dựng nhà sinh hoạt giáo lý và linh đài Đức Mẹ La Vang.
Cha sở đương kim Giuse Trần Thanh Công xây dựng lại hội trường và tôn tạo lại toàn bộ khuôn viên, tượng đài thánh Giuse. Đặc biệt ngài đã tạo nên một sân chơi cho các em thanh thiếu niên rất đa dạng và phong phú.
Hiện nay tổng số giáo dân là 5969 giáo dân, và vào khoảng 2000 di dân xa quê đi làm ăn đến tham dự phụng vụ tại giáo xứ. Địa bàn của giáo xứ Chợ Cầu trải dài trên 3km2, được chia thành 10 giáo họ mang tên: Thánh Anna, Thánh Giuse cầu Bầu, Thánh Đaminh, Thánh Gioan Tiền Hô, Đức Mẹ Lộ Đức, Thánh Phê rô, Thánh Giuse lao động, Đức Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Chúa Kitô.
Giáo xứ hiện có 5 vị trong ban thường vụ, và 40 vị trong ban điều hành các giáo họ. Bên cạnh đó còn có các ban ngành đoàn thể như sau: Hội các Bà mẹ Công giáo, Huynh đoàn Đaminh, Hội Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Hội Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa, và bốn Ca đoàn, ban Phụng vụ, ban Lễ sinh, Giới Trẻ giáo xứ và hai nhóm Chăm sóc bệnh nhân.
Đặc biệt đội ngũ giáo lý viên khá hùng hậu gồm có 67 anh chị phụ trách, dạy giáo lý cho 807 em thiếu nhi từ lớp Khai Tâm đến Bao Đồng vào ngày chúa nhật.
Sự thao thức, băn khoăn và trăn trở của cha Giuse chánh xứ hiện tại là làm sao qui tụ được các em thiếu nhi và thanh thiếu niên để hướng dẫn các em sống đức tin trong một xã hội tục hoá đầy cạm bẫy...
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ


Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

Quang Thiêm

Nguyệt tác

Giáo xứ Tân Mỹ: Quán Tre Tân Bùi xưa...
T5, 06/08/2009 - 12:14
Lược sử
Giáo Xứ Tân Mỹ nằm trên trục Quốc Lộ 22, cách ngã tư Trung Chánh khoảng chừng 500m, thuộc Khu 18, Ấp Mỹ Hòa, xã Xuân Thới Đông, Huyện Hóc Môn
Vào năm 1962 có khoảng bảy, tám gia đình công giáo bị giải tỏa từ khu Quán Tre đến lập nghiệp tại đây. Vì xa nhà thờ nên mọi người đều cảm thấy thiếu một bầu khí linh thiêng và một sự gần gũi yêu thương. Vì vậy họ đã đồng lòng xây lên một ngôi nhà nguyện nhỏ để lui tới cầu nguyện.
Năm 1963, cộng đoàn nhỏ này đã được công nhận là giáo họ của giáo xứ Bùi Môn, với tên gọi: giáo họ Tân Bùi.
Năm 1967, Cha Phaolô Đỗ Kim Phan về đây, quyết tâm đồng lòng với giáo dân để đúng ngày 19/3/1968 khởi công xây dựng Thánh đường. Ngày 7/6/1970 giáo họ Tân Bùi được tách khỏi Giáo xứ Bùi Môn lấy tên là Giáo xứ Tân Mỹ, nhận thánh cả Giuse làm bổn mạng (19/3). Cùng lúc, cha Phaolô và HĐMV quyết định mua đất xây dựng nghĩa trang cho Giáo xứ.
Năm 1977-1978 Giáo xứ không có linh mục.
Năm 1978, Cha Giuse Trần Văn Đắc về nhận chánh xứ, và thầy Giuse Vũ Duy Thống là thầy giúp xứ (hiện nay là Đức Giám mục Chánh tòa Giáo phận Phan Thiết).
Năm 1992, Cha Đa minh Nguyễn Văn Bình về nhận chánh xứ.
Năm 1993, Cha Phêrô Lê Thành Khoái.
Năm 1997, Cha Vinh Sơn Bùi Quang Điện.
Năm 2001, Cha Giuse Trần Đức Mến.
Năm 2003, Cha Giuse Nguyễn Minh Khôi.
Năm 2007, Cha Martin Đoàn Văn Hoàng Thanh Đạm về nhận chánh xứ cho đến nay.
Hiện nay tổng số gia đình công giáo là : 520 hộ, số giáo dân khoảng 2.300 người.
Giáo xứ chia làm ba giáo khu : Thánh Tử Đạo Việt Nam, Thánh Phê rô, Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Giáo xứ có văn phòng thường trực HĐMV, gồm có 4 vị, để tiếp đón và giải quyết công việc của giáo dân.
Các Ban bao gồm : Ban Trật tự, Ban Khánh tiết, Ban Phụng vụ, Ban Tôn giáo, Ban Gia đình, Ban Kiến thiết, Ban Nghĩa trang.
Ca đoàn: có 3 ca đoàn.
Hội đoàn: Hội Liên minh Thánh Tâm, Hội Thánh Giuse, Huynh đoàn Đaminh, Hội Kính lòng thương xót Chúa, Hội Legio Mariae, Hội các Bà mẹ Công giáo
Hiện nay giáo xứ có khoảng chừng 300 em thiếu nhi đang theo học các lớp giáo lý. Tổng cộng có 12 lớp (từ Khai Tâm đến Thêm Sức). Đội ngũ giáo lý viên khá hùng hậu, gồm có các xơ và 30 anh chị GLV. Đặc biệt lớp Giáo lý Hôn nhân và Dự tòng do cha chánh xứ cùng các xơ giảng dạy.
Thánh lễ Thêm Sức
Cái nóng oi nồng mùa hạ và những cơn mưa từng chặp vẫn không ngăn cản được sự hiện diện rất đông đủ và nao nức của giáo dân Tân Mỹ tại khuôn viên nhà thờ vào ngày 31-7-2009.
Đúng 17 giờ,  Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã đến. Ngài về thăm giáo xứ, dâng Thánh lễ và ban Bí tích Thêm Sức cho 61 em thiếu nhi của xứ nhà. Đồng tế trong Thánh lễ có cha hạt trưởng, cha chánh xứ, cùng hai cha khách.
Người ta có cảm tưởng niềm vui của “ngày hội Thêm Sức” đúng là một sự cô đọng của tất cả niềm hân hoan trong quá khứ, để mở ra một hướng rất phấn khởi cho tương lai của giáo xứ: một tương lai được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, làm cho Tân Mỹ mỗi ngày một thêm đẹp, thêm mới với những cõi lòng sẵn sàng làm nhân chứng cho Chúa trong thế giới hôm nay.
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ


Quang Thiêm

Nguyệt tác

Giáo xứ Đông Quang: hướng về ổn định
T2, 27/07/2009 - 14:58
Thánh lễ ban bí tích Thêm sức và Rước lễ lần đầu
Vào lúc 9 giờ sáng thứ bảy 25-07-2009, Đức Cha Giuse Nguyễn Tích Đức được một đoàn mô tô hộ tống đến Giáo Xứ Đông Quang. Hai bên đường có hàng rào danh dự đón tiếp gồm có giáo dân, thiếu nhi, hiệp sĩ, nghĩa sĩ, quí chức tân cựu...  Ban kèn tấu lên niềm vui vì được Đức Cha đến ban hồng ân Thánh Thần Chúa xuống cho 70 em Thêm sức và Rước lễ lần đầu.
Đức Cha Giuse, Cha Hạt Trưởng, Cha Chánh Xứ cùng 17 cha khách sau đó đã long trọng hiệp dâng thánh lễ đồng tế và ban các bí tích cho các em.
Lược sử Giáo xứ Đông Quang
Nhà thờ Đông Quang hiện đang nằm trên đất nghĩa trang giáo xứ Thị Nghè số 35 đường Đông Hưng Thuận 2, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh. Từ khi thành lập đến nay, giáo xứ Đông Quang đã trải qua nhiều thăng trầm:
    - Khởi đầu vào năm 1965: có 45 hộ gia đình từ giáo xứ Ninh Phát (Cầu Xáng, bây giờ thuộc xã Phạm Văn Hai, quận Bình Tân, TP HCM) di cư lên ấp Bầu Nai, xã Đông Hưng Thuận, huyện Hóc Môn (nay là Q.12) để thành lập nên giáo họ Tân Lập thuộc giáo xứ Lạc Quang, hạt Hóc Môn.
    - Năm 1972: cha Rémy Bùi Bằng Hiến về giáo họ Tân Lập, và giáo họ Tân Lập tách ra khỏi giáo xứ Lạc Quang, thành một giáo xứ mới có tên là giáo xứ Đông Quang, nhận Đức Mẹ Mân Côi là bổn mạng giáo xứ.
    - Năm 1988: cha Vinh Sơn Bùi Quang Điện về nhận chánh xứ, chia giáo xứ thành 4 giáo khu: Giuse, Phanxicô, Phêrô, Têrêsa.
    - Năm 1996: cha Giuse Đinh Quang Thịnh về nhận chánh xứ, liên hệ với Tòa Tổng Giám Mục giáo phận TP HCM để xin đất nghĩa trang của giáo xứ Thị Nghè, giáo xứ Xóm Chiếu, và Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán. Cùng lúc này, ngài cũng làm đơn lên chính quyền để xin lấy lại đất đã bị các hộ dân lấn chiếm bất hợp pháp.
    - Năm 2004: cha Đaminh Ngô Quang Tuyên về nhận chánh xứ, xây ngôi nhà thờ tạm trên đất nghĩa trang để chuẩn bị cho việc di dời nhà thờ ở số 222 đường Trường Chinh bị giải tỏa.
    - Năm 2005: cha Giuse Maria Phạm Hồng Thái về nhận chánh xứ Đông Quang. Bước đầu ngài thành lập lại Ban Hành Giáo các giáo họ và các Ủy Viên chuyên trách để phụ giúp trong công tác phụng vụ, kế tiếp bầu ban thường trực Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ với nhiệm kỳ bốn năm. Ngài tiếp tục hoàn thiện hồ sơ xin lại đất nghĩa trang để chuẩn bị xây dựng nhà thờ mới.
Giáo xứ Đông Quang cũng có một chương trình Giáo lý khá ổn định, gồm 12 lớp do các anh chị giáo lý viên phụ trách, học vào thứ năm và Chúa  Nhật
Đặc biệt hai lớp Hôn nhân và Dự tòng do cha chánh xứ, quí xơ và một vị giáo lý viên có bằng cấp chuyên dạy.
Ranh giới hiện nay của giáo xứ Đông Quang: phía Đông giáp giáo xứ Hy Vọng, phía Nam giáp giáo xứ Lạc Quang, phía Tây giáp giáo xứ Bạch Đằng, phía Bắc giáp giáo xứ Hàng Sao (Chợ Cầu).Tổng số giáo dân khoảng 2500 người.
Điểm nổi bật của giáo xứ là đã hoàn thiện được bản Nội Quy gồm có 10 chương và 50 điều cùng sơ đồ tổ chức HĐMV Giáo xứ do chính Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn phê duyệt vào ngày Thứ Ba, 30 tháng 09 năm 2008.
Cha xứ mới và ngôi thánh đường trong tương lai
Vào ngày 07-07-2009, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã có lệnh thuyên chuyển và bổ nhiệm cha Giuse Phạm Đình Đại về nhận chánh xứ giáo xứ Đông Quang.
Cộng đoàn giáo dân tha thiết nguyện xin Đức Mẹ Mân Côi bổn mạng giáo xứ cầu bầu cùng Chúa ban cho cha sở mới tràn đầy sức khỏe và ơn Chúa Thánh Thần, để ngài đủ khôn ngoan và ân sủng chăm sóc một giáo xứ đang đối diện với một số vấn đề phức tạp (như việc xây dựng một ngôi nhà thờ ổn định trên một mảnh đất chưa hoàn toàn ổn định…).
·         Sinh Hoạt Giáo Xứ